Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

26/03/2024 14:37    41

Ngày 05/02/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục một số hạn chế qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007. Trong đó Chỉ thị yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Tuyên truyền miệng trong đó có tuyên truyền miệng về pháp luật (hay gọi theo cách khác là phổ biến pháp luật trực tiếp) được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư xác định tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đây là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh, điều kiện một cách linh hoạt.
Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị cho thấy, một số cấp ủy chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là ban tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai, đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, nhất là những nội dung về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp hài hòa với cung cấp thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch; bảo đảm tính toàn diện, cân đối, thiết thực, sát hợp và hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
Thứ ba, đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Thứ bốn, thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương, tỉnh, huyện; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở. Cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc phạm vi phụ trách, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 T.K

Nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn/ (PTQ dẫn nguồn)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1107

Tổng số lượt xem: 1956871

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang