Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quyền dân sự, chính trị ngày càng được mở rộng

16/12/2023 06:45    27

(PLVN) - Quyền dân sự, chính trị là một trong hai nhóm quyền cơ bản, thiết yếu cấu thành quyền con người. Đây cũng là vấn đề các thế lực thù địch với Việt Nam thường xuyên lợi dụng để chống phá. Vì vậy, thực hiện các khuyến nghị về đảm bảo quyền dân sự, chính trị không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR mà còn là những luận chứng khoa học, chính xác phản bác quan điểm Việt Nam không có nhân quyền cũng như đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch.

Việt Nam luôn khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018...

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử); có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Và mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Được biết, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng, chiếm 70% dân số. Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Theo báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới.

 

Còn về tự do tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Và trong thực tế Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Cùng với đó, trong những ngày lễ của các tôn giáo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều trực tiếp chúc mừng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia các ngày lễ đó. Thực tế, nhiều năm qua, một số ngày lễ của các tôn giáo như Lễ Giáng sinh, Lễ Phật đản... không chỉ là ngày lễ của riêng người có tín ngưỡng, tôn giáo mà đã trở thành ngày lễ chung của mọi người, trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân. Đây cũng là dịp để người có tín ngưỡng, tôn giáo và mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, nêu cao những mặt tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo, trách nhiệm công dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Thực hiện một số khuyến nghị, Việt Nam cũng đang nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em; nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm…

Nguồn:https://baophapluat.vn/tu-phap/ 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1905

Tổng số lượt xem: 2042993

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang