Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Nỗi đau của những đứa trẻ trong vụ án ly hôn và hậu ly hôn

15/02/2023 11:49    300

Ngày nay, cùng với sự đa dạng về chính trị, kinh tế, văn hóa trên thế giới, nhiều quan niệm khác nhau về hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con cái cũng đã xuất hiện. Tính bền vững của gia đình ngày càng giảm, ly hôn ngày càng tăng tạo nên nhiều cái giá phải trả về mặt xã hội, về cá nhân và cộng đồng. Ly hôn không phải là tạo nên sự tự do đơn giản của hai vợ chồng mà là tạo nên sự nghèo khổ vật chất và tinh thần, con cái lang thang không nơi nương tựa, làm tan vỡ nhiều mối quan hệ xã hội.

Chúng ta đều biết rằng, ly hôn gây tác hại trước hết cho con cái, làm căng thẳng các mối quan hệ cha mẹ - con cái, dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những trẻ em này đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình, bởi điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái, là chúng mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển, đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ.

Những trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn, phản ứng tức thời của trẻ là sự hoảng sợ cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào.

Tiếp theo những phản ứng tức thời là những bất ổn khác xảy ra, trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý – xã hội như: khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội…

Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình. Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly hôn của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Thực tế cho thấy, nhóm trẻ trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.

Trước đó, đứa trẻ được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly hôn chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu. Có không ít trường hợp, khi ly dị, cha mẹ cố tình lôi kéo con cái về phía mình, lấy con cái làm “bia đở đạn” hay xem con cái như một thứ vũ khí để trừng phạt người vợ hoặc người chồng… Vì vậy, khi buộc phải ủng hộ một phía nào đó, con cái cảm thấy như đang phản bội lại cha hoặc mẹ mình.

Không ít đứa trẻ rơi vào tình cảnh như vậy đã không có một cơ hội nào trong đời để sửa chữa “lỗi lầm” của mình. Và thế là mặc cảm tội lỗi cứ dằn vặt, ám ảnh, đeo đẳng chúng suốt đời, làm cho tâm hồn chúng không bao giờ được thanh thản trở lại…

Trường hợp của em Đ.T.T T là một minh chứng, em chưa đến tuổi trưởng thành đã sống trong hoàn cảnh không có cả cha lẫn mẹ phải sống với ông bà. Hoàn cảnh ông bà ngoại già kinh tế khó khăn nên em phải rơi vào hoàn cảnh lang thang đường phố để kiếm sống nên em bị lạm dụng tình dục vào năm 13 tuổi và mang thai.

Rất nhiều người day dứt và suy nghĩ về con cái khi quyết đinh ly hôn. Có người quyết định sống chịu đựng và không ly hôn vì con cái, nhưng nhiều người vẫn chọn ly hôn để giải thoát và kéo theo hệ quả giải quyết quyền trực tiếp nuôi con. Còn những đứa con, chúng vừa là sản phẩm, vừa là nhân chứng và cũng là người phải lãnh hậu quả và thực thi bản án ly hôn này của cha mẹ mình.

Thứ nhất, khi chúng chưa thể nhận thức hết được Tòa án là gì, ly hôn là gì, nhưng vẫn được cha, mẹ đưa lên Tòa để lấy ý kiến, để làm chứng và phải nói, trình bày với Tòa án những vấn đề mà chúng chưa chắc đã hiểu là có khách quan và công bằng hay không. Hay chỉ nói theo ý kiến của cha hoặc mẹ dặn trước. Chúng không biết được rằng lời nói của mình cũng là cơ sở để cho Tòa lựa chọn quyết định tước đi một quyền trực tiếp nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ đối với chính mình.

Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng là điều không thể tránh với rất nhiều hoàn cảnh, trường hợp. Do vậy, để không phải ly hôn thì mỗi cặp nam nữ khi yêu nhau, đến với nhau phải thận trọng, nghiêm túc trong việc tìm bạn đời và suy nghĩ kỹ về mục đích hôn nhân của chính mình rồi hãy quyết định. Còn nếu phải ly hôn, hãy suy nghĩ cho con, nghĩ về những nỗi đau của những đứa con trước, rồi hãy suy nghĩ và quyết định cho mình.

Thứ hai, nếu cặp vợ chồng nào có nhiều con chung mà buộc phải chia quyền trực tiếp nuôi con thì việc ly hôn cũng là một bản án làm phai nhạt, chia cắt tình anh chị em ruột vì “ phải sống cách biệt và ly tán nhau”.Nếu không có đủ sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc tốt của cha mẹ đang nuôi dưỡng, thì còn làm mất đi sự gắn kết giữa các anh chị em ruột sau này về cả tính cách, lối sống và sự phân biệt.

 Thứ ba, cuộc sống sau khi ly hôn, những đứa con sẽ có những câu hỏi cho cha mẹ, nhưng cha mẹ không thể trả lời. Và chính những đứa trẻ này phải tự nhận thức, tự tìm hiểu và trả lời theo thời gian. Mỗi lần hỏi là mỗi lần làm xót xa các bậc làm cha, làm mẹ và cho chính các đứa trẻ vì cha mẹ phải nói dối chúng.

 Cha mẹ đôi khi cảm thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được những rắc rối gia đình, song đối với con trẻ thì đó là sự mất mát.

Thứ tư, oan nghiệt hơn là có những đứa trẻ bị một bên cha hoặc mẹ người nuôi dưỡng trực tiếp “tẩy não”, nói xấu về người cha, người mẹ không ở với con nhồi nhét vào đứa trẻ tư tưởng kỳ thị, căm ghét cha, mẹ khiến chúng càng lớn càng xa lánh và đánh mất đi sự tôn trọng với một bên cha, mẹ của mình, thậm chí cắt đứt mọi liên hệ.

 Việc này thực sự để lại hậu quả rất khủng khiếp, có thể biến một người từ có con thành không có con, bản thân những đứa trẻ cũng phải chịu nỗi đau dai dẳng cả cuộc đời.

 Thứ năm, những cặp vợ chồng khi ly hôn cũng đau, nhưng đau một lần rồi thôi, đa phần họ sẽ đi tìm để xây dựng hạnh phúc mới với người phù hợp hơn và rồi chính họ cũng sẽ có những đứa con khác. Khi đó những đứa trẻ phải chịu cảnh “con riêng, dì ghẻ, dượng ghẻ”.

 Nếu gia đình không dành đủ sự quan tâm, chăm sóc cho những đứa con riêng, chúng có thể chịu tủi hờn cả tuổi thơ. Còn nếu những đứa trẻ này chẳng may bị hành hạ và bị hắt hủi thì đây thực sự là bất hạnh vô bờ bến. Những đứa trẻ này rất dễ có suy nghĩ tiêu cực, hoặc bỏ nhà ra đi và dễ sa vào các tệ nạn xã hội.

 Cuối cùng, khi những đứa trẻ ấy lớn lên, kịp nhận ra và hiểu được thế nào là ly hôn, khi đó đã mất đi cả một tuổi thơ hồn nhiên hạnh phúc như bao đứa trẻ khác.

Thu Tình TGPL

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1138

Tổng số lượt xem: 1956852

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang