Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

MÁ TÔI

27/07/2022 08:50    242

Tôi được sinh ra ở một miền quê ngoại thành Hà Nội gần với bờ sông Hồng, nơi chỉ cách Hồ Gươm hơn chục cây số. Một vùng quê nổi tiếng với nghề trồng rau xanh cung cấp cho nội thành và có một lễ hội đua thuyền mô phỏng cách đánh giặc bằng thủy quân của danh tướng Bạch Hạc Tam Giang Đào Trường thời Hùng Duệ Vương thứ XVI đã đi vào sử sách. Đó là phường Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bây giờ và trong tôi cũng đã mang sẵn cội nguồn của một dòng sông, một dòng sông rất đỗi anh hùng đã đi vào những câu ca. Đó là dòng sông Vệ.

Phía trên thượng nguồn dòng sông xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi – nơi gần trăm năm trước cha tôi được sinh ra, nhỏ thì được học hành, lớn lên thì đi làm cách mạng. Dòng sông mênh mông chắt lọc cho những rừng mía bạt ngàn nổi tiếng khắp miền. Cũng nơi đây miền quê này có người vợ, người mẹ bám trụ giữ làng nuôi giấu cán bộ, nuôi con khôn lớn chờ chồng, con đi tập kết. Đó là mẹ đẻ của các anh chị cùng cha với tôi.

Chị gái đầu của tôi ra Bắc trước cha tôi, bốn anh chị sau ở nhà cùng má. Sau này lớn lên các anh chị đều tham gia du kích, bộ đội địa phương. Hàng ngày má tôi vất vả nuôi con, nuôi giấu cán bộ, săn sóc cho những người bị thương đầu tắt mặt tối. Những năm ác liệt, năm mà tổng tiến công nổi dậy Mậu thân 1968 anh thứ ba tôi đã anh dũng hy sinh trong đợt đánh bủa vào đồn địch ở Hành Đức khi tuổi đời mới chớm hai mươi. Nỗi đau buồn của má chưa nguôi thì anh tư tôi lại bị thương nặng phải đưa về tuyến sau điều trị.

Lúc này tôi mới bốn, năm tuổi còn ngây ngô, không biết nỗi đau đớn mất con của cha tôi như thế nào khi tin buồn bay cả ngàn cây số đến với ông. Sau này học hành nghiên cứu, tôi mới hiểu thế nào là sự mất mát đau buồn của chiến tranh. Cuối năm 1969 má tôi lại một lần nữa tiễn đứa con út lên đường vượt núi đèo ra Bắc học tập.

Khi bầu trời Hà Nội B52 liên tục xả bom... Nhân dân đi sơ tán khắp nơi, thì ở miền trung Quảng Ngãi xa xôi, người con rể của cha tôi (anh rể tôi) cũng nằm lại chiến trường, để lại cho má tôi thằng cháu ngoại. Má tôi cùng chị gái, cháu ngoại côi cút trong căn nhà lợp lá mía luôn bị đốt, phá, má và chị tự dựng nhà mới quanh năm. Bởi trong ngôi nhà này có tới ba người ra Bắc và các con tham gia du kích, bộ đội. Nơi đây luôn là điểm rình mò của chúng.

Đất nước thống nhất cha tôi về thăm lại quê sau hơn hai mươi mốt năm xa cách. Còn tôi sau bốn năm giải phóng, trong dịp nghỉ hè tôi đã thực hiện chuyến về quê nội. Con đường từ ngã năm cũ thị xã Quảng Ngãi ngược về hướng tây nam đất đá lổm chổm, ngổn ngang, qua sông, qua đèo, tôi hiểu bao nỗi vất vả gian nan mà mọi người phải chịu, trong đó có má và các anh chị tôi. Ngôi nhà lá mía ngày nào trong những bức thư anh chị tôi gởi ra cho cha hồi đất nước còn chia cắt, bây giờ hiện thật trong tôi. Má rất mừng khi tôi đã lớn, tóc đã bạc, miệng nhai trầu, nhăn nheo đen xạm. Niềm vui đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ hiện rõ trong má. Mặc dù má tôi đã chịu bao cảnh khổ đau mất mát trong cuộc đời. Trên bức tường đất treo hai tấm bằng Tổ quốc ghi công (một con trai, một con rể), một bằng Gia đình vẻ vang cùng nhiều huân chương, huy chương của các anh chị, của má.

Nhiều năm trôi qua, các kỳ hè tôi đều về quê nội. Những năm công tác ở Nghĩa Bình anh em chúng tôi cùng về quê thăm má. Má tôi sống với chị gái và cháu ngoại. Đất nước chiến tranh cũng sống tỏng khổ đau bom đạn. Khi thanh bình cũng côi cút trong cảnh đơn chiếc. Còn nhớ có một năm hồi chưa chia tỉnh, tôi và anh trai (anh ra Bắc năm 1969) từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi công tác có tranh thủ về thăm má, hôm đó đúng ngày 27/7. Má nói ngày thương binh liệt sĩ năm nay có tới hai ông cán bộ tỉnh về thăm tao.

Năm tháng trôi qua lưng má đã còng, mắt đã mờ, tuổi cao sức yếu, chẳng nghĩ gì về mình nữa, luôn miệng thương nhớ con chàu và còn chia sẻ những khó khăn của con cái. Đã từ lâu tôi tự nhủ hồi nào đó sẽ viết một bài báo dành riêng tặng má nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được.

Anh chị, em tôi đều công tác xa lâu lâu mới về thăm má trong các dịp giỗ tết, còn má vẫn luôn ở lại ngôi nhà kỷ niệm ngày xưa nơi đã nuôi giấu bao người của cách mạng, trong đó có những đứa con của chính mình đẻ ra.

Nay má đã về với cha rồi. Mới đây trong dịp giỗ cha, tôi về quê đi trên chiếc cầu Cộng Hòa to đẹp thay cầu tre được làm tạm vào mùa khô bắc qua sông Vệ. Làn gió vi vu, thầm nghĩ mình là sản phẩm của hai dòng sông. Một đỏ nặng phù sa bồi cho vùng rau xanh bạt ngàn và một cho những bãi mía, nương dâu xanh biếc những triền đồi bãi sông thơm phức mía đường Quảng Ngãi đã đi vào lịch sử. Trong tôi cứ day dứt giá như đất nước mình đừng có các cuộc chiến tranh thì đau thương chồng chất đâu có đến thế này. Lòng tôi se lại khi biết bao cảnh chia ly tan tóc, con mất cha, vợ mất chồng, buồn đau khôn xiết./.

Minh Xuân

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1272

Tổng số lượt xem: 1957050

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang