Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kỷ niệm 61 năm Ngày mở Đường Hồ chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2022) ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN- CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI

21/10/2022 10:04    66

Đường Hồ Chí Minh trên biển là thành quả sáng tạo độc đáo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Bác Hồ, trở thành biểu tượng đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Đó còn là hiện thân của ý chí thống nhất đất nước, là tinh thần quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, tự do.

         Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, đế quốc Mỹ nhanh chân hất cẳng thực dân Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và xác định con đường giải phóng miền Nam là “con đường cách mạng bạo lực”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ tìm phương thức vận chuyển vũ khí bằng đường biển để chi viện cho chiến trường miền Nam, ban đầu gồm 2 đại đội, đóng tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình và lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” để giữ bí mật.

           Được sự giúp đỡ tích cực của nhân dân địa phương, Tiểu đoàn nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho chuyến vượt biển đầu tiên vào Khu 5, với phương tiện ban đầu là 4 chiếc thuyền gỗ, có 2 đáy để vũ khí phía dưới, phía trên để dụng cụ đánh cá và cải trang thành thuyền buồm đánh cá theo kiểu của ngư dân miền Nam và tranh thủ ra khơi, nhưng thực chất là tập luyện và tổ chức sinh hoạt chính trị, quán triệt tinh thần và các phương án chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, đơn vị tổ chức chuyến vượt biển đầu tiên, chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường khu 5. Tuy nhiên chuyến ra quân đầu tiên không thành công, do đó, Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động.

          Vào thời điểm đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ trở thành cao trào rộng khắp và mạnh mẽ. Yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ là cần nhanh chóng chuyển vũ khí, thuốc men, hàng hóa để chi viện cho chiến trường nầy, vì tuyến đường Trường Sơn chưa vươn đến các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng.

     Trước yêu cầu đó, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến bãi và đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, để thăm dò, nắm tình hình địch và nghiên cứu tuyến vận tải biển phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến.  Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng từ giữa năm 1961, đến giữa năm 1962 đã có 5 thuyền của một số tỉnh Nam Bộ ra tới miền Bắc. Những người con kiên trung của vùng đất Thành đồng Tổ quốc đã vinh dự được Bác Hồ, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, Quân ủy Trung ương gặp mặt, ân cần thăm hỏi.

      Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, với lực lượng ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, được Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Sự kiện thành lập Đoàn 759, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương. Đoàn 759 ra đời là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược trên biển. Từ đó, trong 61 năm qua, Ngày 23 tháng 10 đã trở thành ngày truyền thống của của Đoàn, đồng thời cũng là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, một con đường huyền thoại vời nhiều kỳ tích lớn lao.

          Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Đầu năm 1962, đế quốc Mỹ thực hiện “chiến lược chiến tranh đặc biệt”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đoàn 759 quyết định để thuyền Bạc Liêu đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam và đã thành công. Đến tháng 8/1962, Đoàn 759 được bổ sung tàu gỗ và tiếp nhận bổ sung cán bộ, chiến sĩ. Giữa tháng 10, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn đi Cà Mau và cập bến Vàm Lũng an toàn, mở ra tiền đề cho những chuyến vận chuyển thành công hàng trăm tấn vũ khí cho Khu 9 sau này, được mang tên là “Đoàn tàu không số”.

     Sau khi những tấn vũ khí đầu tiên đến với lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau vào tháng 10/1962, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương, khen ngợi. Để việc vận chuyển bằng đường biển đạt hiệu quả cao, Quân ủy Trung ương cho đầu tư trang bị tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn cho Đoàn. Tháng 3/1963, tàu vỏ sắt chở 44 tấn vũ khí vào bến Trà Vinh an toàn, liên tiếp sau đó là những chuyến ra khơi bí mật, mưu trí và đầy hiểm nguy, gian khổ đối với nhiều cán bộ, chiến sĩ, kể cả thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, biển cả. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện thành công 29 chuyến hàng, với 1.430 tấn vũ khí, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân miền Nam ruột thịt.

      Tháng 9/1963, Đoàn 759 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, đến tháng  1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên phiên hiệu của Đoàn thành Đoàn 125, do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Chỉ trong hơn 2 năm, Đoàn đã tổ chức vận chuyển được hơn 4.000 tấn vũ khí và cập được nhiều bến của các địa phương: Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa, nhất là Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, góp phần giành nhiều chiến thắng oanh liệt như Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Gĩa…

          Phát huy những thành quả to lớn, sau một thời gian nghiên cứu, Đoàn 125 thực hiện phối hợp với Khu 5, chuẩn bị bến bãi: Vũng Rô, Lộ Diêu, Đạm Thủy, Bình Đào…Trong đó, 3 đợt đầu đều vận chuyển, cập bến Vũng Rô an toàn. Năm 1964 là thời gian Đoàn vận chuyển được nhiều vũ khí nhất để chi viện cho chiến trường với hơn 5 nghìn tấn, kể cả thuốc chữa bệnh, và các trang thiết bị quân sự, hậu cần…

          Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã ghi nhận nhiều chuyến đi và hàng trăm câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, mưu trí, đức hy sinh cao cả, cũng như những câu chuyện rất cảm động về tình đồng đội, tình nghĩa quân dân…Về tinh thần chịu đựng hiểm nguy gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ, nhất là khi phải đối diện với kẻ thù hung bạo. Có thể nói rằng mỗi chuyến đi của Đoàn là một chiến công Những huyền thoại và kỳ tích anh hùng của “Đoàn tàu không số” đã xâu chuổi, tô thắm thành con đường bất tử- Đường Hồ Chí Minh trên biển, đã và đang lưu truyền mãi mãi trong lịch sử chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam Anh hùng. Những giá trị, bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển cần được vận dụng, phát huy, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuấn Anh

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1153

Tổng số lượt xem: 1956890

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang