Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hướng tới nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng

01/01/2024 18:47    41

Chiều ngày 29/12, tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định đối với dự án Luật công chứng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta ngày càng phát triển. Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. 
 

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng báo cáo tại cuộc họp
 
Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.  
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ  mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; định hướng và việc triển khai định hướng phát triển TCHNCC tại các địa phương còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều; một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho cả CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho TCHNCC và người dân, doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan; Luật Công chứng hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là vô cùng cần thiết. 
 

Ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch Hiệp hội CCV TP Hải Phòng phát biểu cho ý kiến tại cuộc họp
 
Tại cuộc họp, để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất ý kiến. Theo đó, ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch Hiệp hội CCV TP Hải Phòng đồng ý về việc bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng không phải là CCV tại một số địa phương thiếu nguồn CCV. Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, ông Quang đề nghị cần làm rõ quy định này có bắt buộc hay không cũng như đánh giá hiệu quả của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV trong quá trình hành nghề. Nếu đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì nên quy định rõ Hiệp hội CCV Việt Nam có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cũng như nêu rõ quy tắc, phạm vi, mức phí, số tiền bảo hiểm…




Các đại biểu phát biểu cho ý kiến tại cuộc họp
 
Ông Trần Thái Bình, Trưởng phòng công chứng số 3,  Phó Chủ tịch Hiệp hội CCV TP Hà Nội cũng đồng tình với việc bổ nhiệm Trưởng phòng CCV không phải là CCV ở một số địa phương, tuy nhiên cần xem xét, quy định rõ trường hợp này bởi lẽ Trưởng phòng CCV không chỉ làm công tác quản lý mà còn phải có kỹ năng, trình độ nhất định về nghiệp vụ công chứng. Theo ông Bình, về bản chất, tổ chức hành nghề công chứng dù là Nhà nước hay tư nhân, đều là tổ chức thực hiện dịch vụ công theo sự uỷ nhiệm của Nhà nước. Do đó, ông Bình đề nghị giữ nguyên phương án các TCHNCC vẫn thu phí công chứng theo pháp luật về phí, lệ phí và chi phí khác; thù lao công chứng thì chuyển thành giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chức theo pháp luật về giá.  
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc họp
 
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cần thể chế hoá các chính sách mà cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất và đã được Chính phủ cho ý kiến; rà soát các quy định của pháp luật để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật có liên quan như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Lưu trữ… 
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chí, nguyên tắc về công chứng, chứng thực điện tử; đánh giá tác động đối với kinh tế, xã hội và xây dựng lộ trình cụ thể của việc chuyển chứng thực từ xã, phường lên. Thứ trưởng cũng cho ý kiến về vấn đề xã hội hoá, vấn đề phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; thành lập thêm văn phòng công chứng ở các địa phương…  
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được xây dựng phù hợp với 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, cụ thể như sau: (1) Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của CCV; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp; (2) Phát triển đội ngũ CCV theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững; (3) Phát triển các TCHNCC ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho CCV thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (4) Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của CCV, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; (5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.
 
Thu Nga - Trung tâm Thông tin
 

Nguồn: https://www.moj.gov.vn/

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1647

Tổng số lượt xem: 2043422

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang