Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Chuyển đổi số: Điểm tựa xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại, minh bạch

22/03/2023 10:02    163

"Chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương”.

Ảnh minh hoạ

Đó là những chia sẻ của Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Tư pháp thường niên vừa được tổ chức.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong những năm qua trước yêu cầu và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Trong bối cảnh đó để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp đã ban hành và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.

 

 

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Phạm Đức Dụ đã phác họa rõ hơn bức tranh số hóa với 100% các đơn vị trực thuộc bộ đã kết nối với mạng Truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 18 ngàn người dùng đang tham gia sử dụng tại hơn 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 Phòng Tư pháp và 63 Sở Tư pháp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã được xây dựng và luôn được cập nhật, rà soát với 122.000 văn bản (Trung ương là 38.000; địa phương là 84.000); Cùng với đó là Hệ thống phần mềm quản lý lý lịch tư pháp, Hệ thống phần mền hỗ trợ pháp lý, Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản...

Những kết quả này đã góp phần đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chia sẻ về trọng tâm chuyển đổi số của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, ông Phạm Đức Dụ cho biết từ quan điểm chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, Bộ Tư pháp đã đặt ra các nội dung, lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng lĩnh vực quản lý của Bộ. Trong đó ưu tiên xây dựng: Hệ thống thông tin về pháp luật và phần mềm hỗ trợ công tác lập pháp; Hệ thống thông tin phổ biến giáo dục pháp luật; Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; Hệ thống thông tin về trợ giúp pháp lý; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự. Đặc biệt Bộ đang tập trung xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch, kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư duy trì và phát triển lâu dài, giữ vai trò của một CSDL ngành có kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư và nhiều CSDL của bộ, ngành khác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dân cư; bảo đảm khả năng kết nối với các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của lãnh đạo bộ, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đồng quan điểm với Bộ Tư pháp trong việc đặt con người làm trung tâm, bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo tính bảo mật, bà Ramla Khalidi đề xuất thêm một số vấn đề Việt Nam cần xem xét để chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp. Đó là đảm bảo các chính sách và quy trình về chuyển đổi số bao trùm một cách công bằng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; Đảm bảo quyền truy cập công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bà cũng khuyến nghị xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng để nâng cao kiến thức, thử nghiệm ý tưởng và mở rộng đối thoại. Cuối cùng, là xây dựng năng lực của các chuyên gia tư pháp để sử dụng công nghệ mới và thích nghi với phương pháp làm việc mới.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp từ Liên minh châu Âu (EU), ông Giorgio Aliberti, Đại sứ của EU tại Việt Nam cho biết: “Cách tiếp cận của EU là sử dụng tốt hơn các công nghệ kỹ thuật số, hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản. Tiếp cận công lý cần phải bắt kịp với sự phát triển của xã hội, bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Và cần có những nỗ lực phối hợp để hưởng lợi đầy đủ từ các công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm cả hợp tác tư pháp xuyên biên giới”. Ông cũng chỉ ra số hóa tư pháp góp phần đảm bảo khả năng phục hồi của các hệ thống tư pháp trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn như trong thời kỳ đại dịch COVID-19, EU đã phát triển công cụ e-CODEX (Giao tiếp Tư pháp điện tử thông qua Trao đổi Dữ liệu Trực tuyến) cho phép tương tác giữa các hệ thống quốc gia trong các thủ tục tố tụng dân sự và hình sự xuyên biên giới.

 

Nhất Thanh

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1883

Tổng số lượt xem: 2049622

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang