Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bàn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

17/03/2023 09:34    25

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước; đất đai cũng là tư liệu sản xuất thiết yếu, là tài sản to lớn của toàn dân. Bởi vậy, thiết chế về đất đai có liên quan, tác động đến hầu hết mọi người và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng vì thế nhận được sự quan tâm của tất cả các tầng lớp Nhân dân. Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo Kế hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật theo từng nhóm đối tượng có liên quan. Trong đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong 10 nội dung trọng tâm cần phải lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nội dung này cũng được nhiều người quan tâm, có ý kiến; trong đó, bên cạnh các ý kiến thống nhất, vẫn có một số ý kiến không đồng quan điểm với quy định của dự thảo Luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”. Theo đó, dự thảo Luật đã giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án nhân dân. Nội dung này, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành, nếu đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự được lựa chọn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Như vậy, đối với những trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định, thay vì theo quy định hiện hành, đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức là nộp đơn yêu cầu tại UBND hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân, thì nay dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai.

Nội dung quy định này của dự thảo Luật được hầu hết các ý kiến thống nhất; tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến cho rằng, việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp có thẩm quyền trong dự thảo Luật là thu hẹp bớt quyền của người dân và bỏ đi một cơ chế giải quyết linh hoạt. Theo quan điểm này, phần lớn các tranh chấp đều xuất phát từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính không đúng của cơ quan hành chính nhà nước nhưng lại giao Tòa án giải quyết là không thỏa đáng, tạo gánh nặng cho ngành tòa án. Do đó, nên giữ nguyên như quy định của Luật Đất đai hiện hành, để người dân được lựa chọn một trong hai hình thức, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân; bởi vì, thủ tục giải quyết tranh chấp tại UBND thường đơn giản, người dân không phải đóng án phí như khi khởi kiện ra Tòa. Mặc dù, quan điểm này cũng có những lập luận xác đáng; tuy nhiên, cần phân định rõ nội hàm của hai khái niệm khiếu nại hành chính về đất đai và tranh chấp đất đai; từ đó, việc xác định thẩm quyền, cơ chế giải quyết sẽ đảm bảo thống nhất, phù hợp hơn.

Hệ thống pháp luật hiện hành chưa quy định về khái niệm khiếu nại hành chính về đất đai, Luật Đất đai cũng chỉ quy định chung chung về khái niệm tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” và khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Như vậy, về bản chất, khiếu nại về đất đai là xung đột giữa chủ thể sử dụng đất và cơ quan hành chính nhà nước đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trong khi đó, tranh chấp đất đai là xung đột, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể sử dụng đất. Đối tượng của khiếu nại về đất đai là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, khác với đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền sử dụng đất. Theo đó, về cơ chế giải quyết, các trường hợp khiếu nại về đất đai sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại: khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sử dụng đất của mình thì chủ thể sử dụng đất có quyền khiếu nại đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 204 Luật Đất đai hiện hành và được quy định tại Điều 226 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Riêng đối với các trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các chủ thể sử dụng đất, thiết nghĩ, việc quy định Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như dự thảo Luật là phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Bởi vì, thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của cơ quan tư pháp, không phải cơ quan hành chính; giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Hy vọng Luật Đất đai được thông qua sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển thời đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”./.

Thị Trang

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1835

Tổng số lượt xem: 2026772

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang