Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

“Việc nhẹ lương cao” và cú lừa tiền tỷ

08/08/2023 00:05    165

Cảnh giác thủ đoạn chiếm đoạt tài sản.

(PLVN) -Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an, nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên, xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử, cộng tác viên thu âm lồng tiếng, đọc truyện online tại nhà. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn kiểu “việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày”. Với thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo, cộng với sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của một số người đã khiến cho nhiều bị hại mất tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

“Cơn ác mộng” cuốn trôi tiền tỷ

Chiều 30/7/2023, Công an Hà Nội cho biết, ngày 20/7/2023, chị L. (24 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đến Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị L. tường trình có nhận được lời mời làm cộng tác viên làm nhiệm vụ cho sàn thương mại điện tử L.Z.D. sẽ được hưởng tiền “hoa hồng”. Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ tăng tương tác cho sàn, chị L. sẽ được hưởng “hoa hồng”. Cụ thể, trong hai ngày 8 - 9/7, chị L. đã chuyển khoảng 150 triệu đồng để làm nhiệm vụ cho các đối tượng. Sau đó, chị L. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Do muốn kiếm thêm thu nhập, chị Nguyễn Hoàng H. (32 tuổi, Hưng Yên) muốn tìm việc làm thêm. Đang ngồi lướt điện thoại, chị H. nhận được tin nhắn tìm cộng tác viên làm việc tại nhà từ một số máy lạ qua instagram. Người này giới thiệu là Thành, công ty đang cần tuyển dụng người làm việc thêm tại nhà, công việc chính chỉ cần sử dụng điện thoại di động nghe nhạc, like và bình luận cho các Tiktok công ty giới thiệu thì sẽ được hưởng tiền. Số tiền làm việc trong ngày từ 300 nghìn đồng trở lên/ ngày.

Thấy “việc nhẹ, lương cao”, chị H. bắt đầu làm. Những ngày đầu chỉ nghe nhạc và like, bình luận, chị nhận được 300-500 nghìn đồng chuyển vào tài khoản mình một cách dễ dàng. Tin tưởng nên khi Thành mời chị H. đầu tư vào “gói đầu tư sinh lời của công ty” với “hoa hồng” 30% số tiền đầu tư, chị H. nghe theo. Lần đầu chị chỉ dám đầu tư 2 triệu, trong vòng 30 phút, bên công ty chuyển khoản cho chị 2.6 triệu. Lần 2 chị yên tâm hơn và đầu tư 3 triệu thì nhận lại 3.9 triệu. Lần thứ 3, chị đầu tư 10 triệu thì nhận lại được 13 triệu đồng. Đến lần thứ 4, chị H tiếp tục đầu tư 30 triệu nhưng không nhận được tiền gốc và lãi. Chị H hỏi lại Thành nói nếu hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ trả gộp luôn một lần.

“Đâm lao theo lao”, chị H tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ đầu tư với số tiền ngày một lớn. Chị H. dốc hết số tiền tiết kiệm để mua nhà là 2,5 tỷ đồng để mong nhận được gốc và lãi. Chị đợi mãi không thấy công ty chuyển tiền. Như ngồi đống lửa, chị gọi điện, nhắn tin cho Thành thì không gọi được. Chị H. choáng váng nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.

Cũng là nạn nhân của lừa đảo trên mạng, bà Mai T. (62 tuổi, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy) Hà Nội ốm liệt giường sau gần 1 tháng bị lừa. Nói trong nước mắt, bà T. kể lại “cơn ác mộng”. Bà T có giọng nói hay nên thường làm MC các sự kiện phường, xã. Sau khi lướt facebook, bà đọc được thông tin tuyển “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà” với lương 200 nghìn đồng/ trang, lồng tiếng phim 500 nghìn đồng/ trang.

Thấy công việc này khá nhẹ nhàng đối với bà T. bà đã gọi số điện thoại theo quảng cáo. Người có tên “Hà Anh” yêu cầu bà thử giọng, lập tài khoản Telegram, kết nối với người tên “Lương Văn Hoàn” và một điều phối viên xác nhận tên là “ Dự Hóa” dẫn dắt bà làm việc.

Những ngày đầu, bà T. nhận được tiền công rất đúng như những lời hứa hẹn. Đến ngày thứ 5, bọn chúng bắt đầu yêu cầu bà T. bước vào vòng 2 để tăng thêm thu nhập là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm cho “nhà tài trợ”, “hoa hồng” gấp rưỡi số tiền bà đầu tư. Bà T. chuyển nhiều lần với số tiền khác nhau vào số tài khoản mà bọn chúng cung cấp. Nhưng sau khi xong nhiệm vụ, bà T. không nhận lại được số tiền đã chuyển và % thưởng “hoa hồng”.

Mỗi khi bà T. yêu cầu tất toán số tiền đã chuyển và “hoa hồng” thì “hệ thống” của các đối tượng đưa ra một “Thông báo khẩn cấp” cho biết “Hệ thống tất toán thất bại” hay “tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên” với lý do soạn tin không đúng cú pháp, điểm tín nhiệm thấp và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chuyển số tiền khác, “sửa lỗi” rồi mới nhận lại được tiền.

Bọn chúng còn hứa hẹn, bà nộp thêm tiền để “điểm tín nhiệm” cao, lãi nhiều và rút được cả gốc lẫn lãi. Ở trong đầu dây điện thoại, cả đám nhao nhau giục bà T chuyển thêm 550 triệu đồng theo yêu cầu và chuyển tiền ngay trong vòng 15 phút nếu không sẽ không lấy lại được tiền gốc và lãi. Có người còn nói vọng vào điện thoại: “Em cám ơn các anh, vì điểm tín nhiệm em cao nên em đã nhận được cả gốc lẫn lãi tổng là 1.2 tỷ, em mừng quá”.

Vừa bị giục, lại nghe thấy có người nhận được tiền, bà T sốt ruột muốn rút về tiền gốc đang là 450 triệu đồng nên đã cuống quýt dồn hết 400 triệu tiền tiết kiệm dưỡng già và gọi điện vay họ hàng, bạn bè thêm 150 triệu cho tròn 1 tỷ đồng chuyển khoản cho bọn chúng. Khi chuyển xong, bà hồi hộp đợi bên “Công ty lồng tiếng” chuyển cả gốc lẫn lãi là 1,5 tỷ đồng thì không liên lạc được. Biết bị lừa, bà T. như người mất hồn vì số tiền dưỡng già 850 triệu đồng cùng món nợ 150 triệu đồng bị mất trắng trong một buổi chiều.

 

Cần tỉnh táo với các lời mời gọi “làm việc online”

Đây chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của thủ đoạn thực hiện “nhiệm vụ online” tại nhà hưởng “hoa hồng” của các đối tượng lừa đảo trên mạng. Truy cập vào một website vieclamonlineluongcao.com, trang này đưa ra những lời giới thiệu “có cánh” như: “Việc làm không vốn - việc làm online uy tín”, “mỗi ngày bạn có thể kiếm từ 500 nghìn đồng - 3 triệu đồng đây là điều không hề khó khăn!!!!” , “không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm”, “chỉ cần có smartphone, làm online mọi lúc mọi nơi”....

“Việc nhẹ lương cao” và cú lừa tiền tỷ ảnh 1

Nhiều người bị lừa tiền khi tham gia cộng tác viên thu âm lồng tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, (ảnh Bảo Châu).

Các kênh giới thiệu việc làm qua mạng rất đa dạng, người tìm việc không lường hết được hoạt động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều người tìm hiểu không kỹ lưỡng, ham lợi nhuận cao ban đầu... rất dễ mắc bẫy. Sau khi lừa đảo, kẻ xấu đã chặn toàn bộ liên lạc rồi biến mất.

Kênh liên lạc chúng sử dụng thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram. Ở nền tảng mạng xã hội này, có thể tự động xóa toàn bộ lịch sử tin nhắn từ cả hai phía sau khi lừa đảo, không lưu lại bằng chứng và rất khó truy vết tài khoản. Với thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo, cộng với sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của một số người đã khiến cho nhiều bị hại mất tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

“Việc nhẹ lương cao” và cú lừa tiền tỷ ảnh 2

Các quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng online đầy rẩy trên mạng xã hội, (ảnh Bảo Châu).

Trên Cổng không gian mạng quốc gia, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này nhận được nhiều email cảnh báo và cuộc gọi phản ánh về việc lừa đảo sử dụng mạng xã hội (ví dụ: Zalo, Facebook, Telegram…) để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản…

Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản gửi công an các tỉnh, thành trong việc phối hợp rà soát, truy tìm bị hại của các vụ án. Theo đó, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án xác định: Từ tháng 3 - 7/2022, đối tượng thông qua mạng internet đăng bài tuyển công tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki… để được hưởng “hoa hồng” từ 12 đến 30% giá trị mỗi đơn hàng.

Sau khi bị hại kết nối liên lạc, đối tượng sẽ gửi đường link các web giả mạo để các cộng tác viên lập tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp, thực hiện tạo mua đơn hàng có sẵn để được hưởng “hoa hồng”. Trên thực tế không thể có chuyện không đầu tư, không làm việc, không tạo ra sản phẩm, không chốt đơn liên quan đến hàng hóa, mua bán cụ thể mà lại có khoản lợi nhuận rất lớn như vậy. Do đó, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh trở thành bị hại trong các vụ lừa đảo trên không gian mạng như hiện nay.

Công an TP Hà Nội cũng đã tiếp nhận rất nhiều đơn tố cáo, đồng thời cũng đưa ra khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn nêu trên, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1336

Tổng số lượt xem: 1965822

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang