Kết quả công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (viết tắt là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg); Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Quyết định số 25 (viết tắt là Thông tư số 09/2021/TT-BTP); Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 08/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 25 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn số 2217/UBND-NC ngày 12/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủy quyền báo cáo kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024 trên địa bàn tỉnh như sau:
Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 11 huyện; 01 thị xã; 01 thành phố); 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 148 xã, 17 phường, 08 thị trấn). Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL chỉ thực hiện tại 12 huyện, thị xã, thành phố (huyện Lý Sơn không có đơn vị hành chính cấp xã).
Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 văn bản: Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 12/01/2024 về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở và nhiệm vụ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 13/5/2024 về thành lập Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Công văn số 254/STP-PBGDPL ngày 22/02/2024 về sơ kết thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Công văn số 1034/STP-PBGDPL ngày 04/7/2024 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh; Công văn số 2032/STP-PBGDPL ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024; đồng thời thực hiện 03 báo cáo: Báo cáo kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh (Báo cáo số 25/BC-STP ngày 19/02/2024); Báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (Báo cáo số 73/BC-STP ngày 26/4/2024); Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021/2025 và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030 (Báo cáo số 376/BC-STP ngày 30/12/2024).
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã ban hành 08 văn bản về thẩm tra, xác nhận mức độ đạt chuẩn Tiêu chí 16 Tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao; ban hành 06 văn bản về thẩm tra, xác nhận kết quả thẩm định tiêu chí 18.4 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí Nông thôn mới.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL, trong đó có một số địa phương đã tích cực ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn (huyện Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi).
Năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh (Quyết định số 1143/QĐ-BTP) hơn 200 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo UBND huyện (theo dõi phụ trách công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật); công chức Phòng Tư pháp; công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP tại địa phương; hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thi văn minh.
Tổ chức biên soạn, in và cấp phát 370 cuốn Sổ tay “Hướng dẫn thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật” có tái bản chỉnh sửa, bổ sung, nhằm trang bị cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh tham mưu, hướng dẫn thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật có tài liệu, kiến thức, kỹ năng cần thiết trong qua trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra còn cử thành viên tham gia Đoàn thẩm định xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc liên quan đến công tác theo dõi, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL của các địa phương (thông qua các hình thức chủ yếu như: zalo, điện thoại, trực tiếp lên trụ sở cơ quan...).
Các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện việc đăng tải, công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện theo quy định.Đồng thời, để nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL, UBND cấp huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm truyền thông - Văn hóa - Thể thao, UBND cấp xã xây dựng các chuyên mục, bản tin và tổ chức tuyên truyền, thông tin, truyền thông về nội dung, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL bằng nhiều hình thức như: Phát sóng trên Đài truyền thanh cấp huyện, hệ hống loa truyền thanh cơ sở; đăng tải trên Trang tin điện tử của địa phương lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tại cơ sở; có địa phương còn tổ chức biên soạn tình huống TCPL để đăng tải trên Trang tin điện tử PBGDPL cấp huyện (thành phố Quảng Ngãi)...
Công tác kiểm tra nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện thông qua việc các địa phương báo cáo nhiệm vụ lồng ghép trong các báo cáo định kỳ (06 tháng, 01 năm), báo cáo thống kê theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019; báo cáo đột xuất. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc tổ chức kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được thực hiện tại 03 đơn vị hành chính cấp huyện và 18 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: (1) UBND huyện Trà Bồng và UBND các xã: Trà Giang, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Bình, Trà Thanh; (2) UBND thị xã Đức Phổ và UBND các xã, phường: Phổ Thuận, Phổ Cường, Phổ Phong, Phổ Nhơn, Phổ Khánh, Phổ Quang; (3) UBND huyện Tư Nghĩa và UBND các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hòa. Sau mỗi đợt kiểm tra, đều đã ban hành thông báo kết luận kiểm tra tại từng huyện, xã được kiểm tra. Việc kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này tại các cơ địa phương. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL, các địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc trong vận dụng các quy định đều trực tiếp liên hệ, phản ánh (qua điện thoại, nhóm Zalo) về Sở Tư pháp (qua Phòng PBGDPL) đề được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Sở Tư pháp đã cáo báo cáo về kết quả thực hiện kiểm tra công tác PBDPL, hòa giải ở cơ sở và nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 03 huyện và 18 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gửi UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.
Là thành viên Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Sở Tư pháp đã tham gia các đoàn thẩm tra do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức, đồng thời thực hiện việc đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn nội dung Tiêu chí 18.4 đối với 05 xã về đích nông thôn mới (xã Bình An; xã Long Hiệp; xã Sơn Linh; xã Bình Châu; xã Bình Thuận); đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn nội dung Tiêu chí 16 (Tiếp cận pháp luật) đối với 12 xã về đích nông thôn mới nâng cao (xã Phổ An; xã Đức Lợi; xã Đức Tân; xã Bình Dương, xã Bình Trị, xã Bình Thạnh, xã Tịnh Ấn Tây, xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Châu, xã Tịnh Khê, xã Đức Thạnh, xã Đức Minh); đánh giá, xác nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 đối với huyện Mộ Đức; đánh giá, thẩm tra chung kết quả thực hiện Tiêu chí 18.4 Tiếp cận pháp luật của 14 xã thuộc thành phố Quảng Ngãi đến năm 2023.
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đưa hoạt động tổ chức kiểm tra, triển khai các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL vào kế hoạch triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL hằng năm và tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động này. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về cấp xã đạt chuẩn TCPL của các địa phương nêu ra phần lớn đã được hướng dẫn, tháo gỡ thông qua các hội nghị, các lớp tập huấn về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL; thông qua việc UBND cấp huyện ban hành văn bản hay trực tiếp phản ánh qua điện thoại đến cơ quan có thẩm quyền.
Về kinh phí bố trí cho nhiệm vụ này năm 2024 là 27 triệu đồng (tổ chức 01 lớp tập huấn về tiêu chí TCPL cho công chức Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh)
Ở cấp huyện, các địa phương quan tâm bảo đảm nguồn lực (tài chính, cơ sở vật chất, con người) để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã hằng năm xây dựng dự toán, bố trí kinh phí triển khai thực hiện công tác xây dựng cấp xã dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL. Các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng; nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã phân công công chức Tư pháp - Hộ tịch làm đầu mối tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp xã theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện; phân công các công chức chuyên môn theo dõi, tham mưu thực hiện việc chấm điểm, đánh giá từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật của địa phương.
Công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL năm 2024 thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP; đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức đánh giá chuẩn TCPL theo đúng quy định.
Theo đó, 12/12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đánh giá và ban hành Quyết định công nhận các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại địa phương theo đúng quy định. 100% xã, phường, thị trấn đã nộp hồ sơ tự đánh giá nộp về Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL cấp huyện.
Số lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL: 161/173 đơn vị hành chính cấp xã.
Số lượng xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn TCPL: 07/173 đơn vị hành chính cấp xã (07 xã không đạt đều thuộc huyện Ba Tơ).
Nguyên nhân chưa đạt chuẩn TCPL năm 2024 (của 07 xã): Theo Báo cáo số 66/BC-UBND ngày 14/02/2025 của UBND huyện Ba Tơ, 7/7 xã thuộc huyện có tổng điểm của 5 tiêu chí dưới 80 điểm, không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Thuận lợi
Công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 đã được Sở Tư pháp tham mưu thực hiện kịp thời, hiệu quả, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn, trao đổi tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định.
Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật, từng bước đi vào thực chất, chú trọng chất lượng và ngày càng quan tâm, chú trọng đến việc bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này, lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, gắn việc đánh giá với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
- Nguồn lực bố trí cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL tại một số địa phương còn bất cập, hạn chế: Việc bố trí kinh phí hoạt động còn hạn chế, đa số cấp xã chưa bố trí riêng, thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ PBGDPL và các nguồn khác nên hiệu quả chưa cao; Công chức Tư pháp - Hộ tịch được giao nhiệm vụ là đầu mối tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nhiệm xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng công chức này tại một số xã còn mỏng, thường xuyên biến động, khối lượng công việc nhiều… nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL của địa phương.
- Một số xã chưa phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng công chức trong việc theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí TCPL thuộc phạm vi quản lý hoặc có phân công nhưng sự phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch nên hiệu quả, chất lượng đánh giá chưa cao.
- Một số địa phương (cấp huyện) thực hiện đánh giá, quyết định công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật và chế độ báo cáo còn chậm trễ, chưa bảo đảm theo quy định. Nguyên nhân là do thời điểm thực hiện đánh giá, công nhận, báo cáo nằm trong thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán, công tác tổ chức sắp xếp bộ máy...
- Việc đánh giá, thẩm định mức độ đạt chuẩn TCPL theo Quyết định 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh của một số địa phương chưa nắm bắt kịp thời nên khi vận dụng còn lúng túng, khó khăn. Theo Hướng dẫn này thì thời điểm đánh giá xác nhận mức độ đạt chuẩn tiêu chí tiếp cận pháp luật hiện nay còn bất cập, nhất là vào thời điểm cuối năm. Ví dụ: thời điểm xem xét, thẩm tra hồ sơ vào tháng 12/2024 thì theo hướng dẫn, đơn vị thẩm tra sẽ xem xét hồ sơ của năm 2023, tuy nhiên nếu thời điểm tổ chức đánh giá, công nhận diễn ra vào năm 2025 thì phải rà lại kết quả thực hiện của năm trước liền kề là năm 2024, như vậy đơn vị thẩm tra sẽ phải thực hiện thẩm tra, xem xét cả hai hồ sơ của năm 2023 và 2024 đối với một địa phương, dẫn đến khó khăn về bố trí thời gian, con người để thực hiện.
Năm 2025, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
Tiếp tục thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định về cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật; đánh giá, công nhận, công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thẩm tra, xác nhận mức độ đạt chuẩn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; tăng cường công tác kiểm tra về cơ sở kết hợp với hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL. Xác định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự phối hợp của các công chức chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ, gắn nhiệm vụ này với nhiệm vụ nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính của xã, phường, thị trấn và là một trong những tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Tăng cường thực hiện và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tránh trường hợp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không để ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu của tập thể chính quyền địa phương cấp xã để đạt tiêu chí chuẩn TCPL; có chế tài xử lý cụ thể đối với đơn vị, người có trách nhiệm không thực hiện nhiệm vụ được giao về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 20/9/2023).
Đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị là thành viên Hội đồng đánh giá TCPL chủ động, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện đạt các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lĩnh vực được giao quản lý; Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc việc phân công từng công chức theo dõi, tham mưu thực hiện từng chỉ tiêu của từng tiêu chí; đảm bảo 100% cấp xã tổ chức đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL theo quy định; thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương để được hướng dẫn, tháo gỡ.