Tình hình thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
18/09/2023 08:53 129
Thực hiện Công văn số 3560/BTP-VĐCXDPL ngày 09/8/2023 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3900/UBND-NC ngày 14/8/2023 về việc tham mưu thực hiện văn bản của Bộ Tư pháp và Thường trực Tỉnh ủy; Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện báo cáo Bộ Tư pháp tình hình thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh (viết tắt là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), kết quả đạt được cụ thể như sau:
1. Kết quả lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (viết tắt là Luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết và trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận trước khi trình HĐND tỉnh thông qua. Từ ngày 01/7/2016 đến ngày 18/8/2023 đã lập 725 đề nghị xây dựng văn bản QPPL, công tác lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật năm 2015 về biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ 01/7/2016 đến ngày 18/8/2023 đã tổ chức lập 42 đề nghị xây dựng nghị quyết để tham mưu cho UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận. Kết quả UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận 275 đề nghị theo quy trình đơn giản, 23 đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật năm 2015 về biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận 443 đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh.
Nhìn chung, công tác lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL được các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Đồng thời, nội dung các chính sách đặc thù của địa phương được xây dựng trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và điều kiện thực tiễn của địa phương.
2. Kết quả soạn thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành và kết quả ban hành văn bản theo thẩm quyền
Thời gian từ ngày 01/7/2016 đến 18/8/2023 các sở, ban, ngành tỉnh đã tổ soạn thảo 886 lượt dự thảo văn bản QPPL để tham mưu trình UBND tỉnh ban hành hoặc trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Kết quả HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 718 văn bản QPPL (275 nghị quyết, 443 quyết định). Đối với cấp huyện đã tổ chức soạn thảo đối với 923 dự thảo văn bản QPPL (359 nghị quyết, 564 quyết định); kết quả HĐND, UBND cấp huyện đã ban hành 898 văn bản QPPL (355 nghị quyết, 543 quyết định). Tại cấp xã đã tổ chức soạn thảo đối với 2.616 dự thảo văn bản QPPL (2.200 nghị quyết, 416 quyết định) và HĐND, UBND cấp xã đã ban hành 2.591 văn bản QPPL (2.178 nghị quyết, 413 quyết định).
Nhìn chung hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã đi vào ổn định, có sự đổi mới rõ rệt từ hình thức đến chất lượng nội dung quy định. Chất lượng các văn bản QPPL được nâng cao hơn. Nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản được nâng cao hơn trước, điều này được thể hiện qua sự quan tâm, đầu tư về con người, kinh phí, điều kiện làm việc của HĐND, UBND các cấp vào công tác này. Mức độ phù hợp, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản QPPL do HĐND và UBND các cấp ban hành cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi. Đặc biệt ở cấp tỉnh, việc ban hành văn bản QPPL đã đi vào ổn định và nề nếp hơn nên văn bản QPPL sau khi được ban hành đều phù hợp với quy định pháp luật, ít sai sót hơn so với cấp huyện và cấp xã. Đối với cấp huyện, tình trạng sao chép quy định của văn bản của cơ quan nhà nước ở Trung ương, của tỉnh đã được hạn chế; số lượng văn bản QPPL do cấp huyện, cấp xã ban hành giảm đáng kể. Các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
3. Lý do đã đạt được các kết quả
- Luật năm 2015, Luật năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP là khung pháp lý điều chỉnh tương đối đầy đủ nội dung về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
- Phần lớn các cơ quan, đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND; quan tâm bố trí cán bộ, công chức tham gia xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND có năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác.
- Quá trình triển khai thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, đoàn thể các cấp trong toàn hệ thống chính trị; sự nỗ lực của công chức làm công tác xây dựng pháp luật từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu giúp chính quyền trong việc triển khai thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thi hành Nghị định trên địa bàn, nhất là nhiệm vụ soạn thảo, góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do địa phương ban hành để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn của địa phương.
- Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là trong việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật. Các sở, ban, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản QPPL tuân thủ nghiêm túc theo quy định. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã nhận được sự quan tâm, góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; ý kiến của các chuyên gia, luật gia đảm bảo văn bản QPPL phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao. Do đó, các văn bản do UBND ban hành phù hợp với các văn bản QPPL của Trung ương và Nghị quyết của HĐND cùng cấp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với đối tượng tác động của văn bản, vì vậy văn bản sau khi ban hành mang tính khả thi cao./.
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 748
Tổng số lượt xem: 2947762