Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Nhớ lời dạy của Bác - Cán bộ ngành Tư pháp Quảng Ngãi tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

29/07/2021 13:29    747

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tuy Người đã đi xa nhưng để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta một di sản tư tưởng quý báu, một tấm gương đạo đức sáng ngời, một phong cách cao đẹp và một thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. Đối với mỗi ngành, mỗi lĩnh vực Người luôn có những lời nhắc nhở ân cần, tận tình và cụ thể. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tư pháp Quảng Ngãi phải nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để trang bị cho mình một phương thức tu dưỡng, rèn luyện thiết thực, hiệu quả, làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác đối với cán bộ tư pháp là phải “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.

Khi còn bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người. Người khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Đây chính là giá trị cốt lõi của nền tư pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh được khởi nguồn ngay từ những ngày đầu thành lập.

Lần lại những trang sử của ngành, ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, nhắc nhở, ân cần dặn dò đối với cán bộ tư pháp phải lấy công việc phụng sự Nhân dân làm lẽ sống, làm mục tiêu phấn đấu, đặt lợi ích của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật. Tháng 2-1948, trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp Bác viết: “… các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo”. Vậy đối với người cán bộ tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đòi hỏi phải “chí công vô tư” mà còn phải biết “phụng công thủ pháp”. Cán bộ tư pháp là những người phụ trách thi hành pháp luật, nên lẽ dĩ nhiên, phải hết lòng vì cái chung, vì Nhân dân mà bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng, công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần cao nhất.

Đến năm 1950, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho Nhân dân lao động... Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”. Vì vậy, Người căn dặn cán bộ tư pháp: “... Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…”.

Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đảm nhận vai trò “Hậu phương lớn” cho “Tiền tuyến lớn” miền Nam tiếp tục đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhắc nhở: “Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi Nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”. Muốn thực hiện được nhiệm vụ trong tình hình khó khăn đó thì ngành tư pháp phải “đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình…”.

Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước của Người thấm đượm một tấm lòng thương yêu Nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Còn đối với cán bộ tư pháp có vai trò hết sức quan trọng vì họ chính là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “cán cân công lý”, vì thế người cán bộ tư pháp phải gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng, trong sạch.

Thấm nhuần lời dạy của Bác và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 5/6/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 5 năm qua, Đảng ủy Sở Tư pháp đã tập trung lãnh đạo các chi bộ, các đơn vị trực thuộc, cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành học tập và làm theo Bác đạt nhiều kết quả quan trọng. Đảng ủy đã gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mạnh dạn nhận diện, chấn chỉnh những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; từng bước nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với việc phân công trách nhiệm cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nhiều phong trào, việc làm học tập và làm theo lời Bác được thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành được nâng lên; các nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân, phục vụ nhân dân, “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” đã được thấm nhuần, học tập và thực hành sâu rộng góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, đưa đất nước vững bước tiến lên. Do đó, phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác để nâng cao nhận thức về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Người đối với công tác tư pháp thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp, xem đó là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay phải xem việc xây dựng cơ quan tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới hệ thống chính trị để xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Để làm được điều đó, phải tiến hành từ việc xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp để góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân… đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ tâm, đủ tầm, đủ tài. Do đó, cần phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí của Nhân dân, tạo môi trường luật pháp đầy đủ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phát huy quyền dân chủ của mọi tổ chức và công dân trong đời sống hằng ngày; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật không cho phép bất cứ ai đứng trên pháp luật; mọi hoạt động phải xuất phát vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, dân tộc; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp theo hướng chức nghiệp thực tài, thúc đẩy liêm chính công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Học tập và làm theo Bác đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Phải kết hợp chặt chẽ giữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất ý chí và hành động. Đề cao việc phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị với phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu thực hiện, nhằm khẳng định tính tiên phong, gương mẫu “trên trước dưới sau” “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thể hiện ở vai trò tiên phong, sẵn sàng gánh vác mọi khó khăn, gian khổ, không lùi bước trước hoàn cảnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tránh việc mới, né việc khó, thờ ơ vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân, trì trệ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nêu gương về phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tiễn, gần dân, trọng dân và gắn bó với Nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tư pháp không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, năng lực và uy tín của cán bộ tư pháp, tinh thần trách nhiệm đối với công việc để thực hiện tốt lời dạy của Người “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” và phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, học dân. Đồng thời, gắn trách nhiệm cá nhân trong việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước của ngành, của cơ quan nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến xây dựng ngành Tư pháp phát triển bền vững, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Có thể nói, lời Bác dạy đã hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tư pháp Quảng Ngãi càng thấm thía hơn những lời dạy của Bác dành cho ngành Tư pháp, cán bộ Tư pháp trong công tác chuyên môn, cũng như trong quan hệ, ứng xử hằng ngày. Và qua đó càng ý thức vai trò, vị trí của mình, của ngành mình trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay.

Long Hiếu

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 604

Tổng số lượt xem: 2947942

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang