Truy cập nội dung luôn
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tiếp dân…và cải cách chế độ công vụ

20/04/2022 20:49    263

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo quy định của pháp luật đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí địa điểm tiếp công dân bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, trang bị các điều kiện vật chất cần thiết để phục vụ việc tiếp công dân được thuận lợi đồng thời bố trí công chức, viên chức của bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp công dân. Tuy nhiên việc tiếp công dân ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến việc tiếp công dân, dẫn đến những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo cũng như những yêu cầu của người dân chưa được giải quyết, hướng dẫn, giải thích một cách rõ ràng, đảm bảo từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, giữa người dân với cơ quan nhà nước, tổ chức và khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài và gây mất niềm tin của người dân vào cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

Trên thực tế tại nhiều cơ quan nhà nước đã bố trí bộ phận tiếp dân, phòng tiếp dân để tiếp nhận đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải thích cho người dân khi đến liên hệ công việc. Tuy nhiên cán bộ được phân công để tiếp nhận, giải thích không thực hiện đảm bảo đúng thời gian hành chính về việc trực khiến người dân chờ đợi, đôi khi cán bộ tiếp dân còn vắng mặt không thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Có một số địa phương, cán bộ tiếp dân có thái độ không đúng mực khi tiếp dân như nổi nóng, nói lớn tiếng, đôi khi lại quát tháo người dân khi họ trình bày chưa được rõ ràng yêu cầu của mình…điều đó đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người dân khi đến cơ quan nhà nước, đôi khi khiến người dân có định kiến không tốt về cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.

Trong công tác trợ giúp pháp lý liên quan đến các yêu cầu của đối tượng, cũng như của người dân liên quan đến một số cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cho thấy việc giải thích, hướng dẫn cho người dân thực hiện các quyền của mình khi đến yêu cầu, kiến nghị chưa được rõ ràng có nhiều trường hợp không được giải thích. Nhiều trường hợp hướng dẫn không đúng và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; có trường hợp yêu cầu bổ sung những nội dung không cần thiết hoặc nội dung không thể thực hiện được để từ chối yêu cầu của người dân. Khiến một vụ việc đơn giản trở nên phức tạp, kéo dài và đôi khi người dân mất đi quyền của mình vì hết thời hiệu yêu cầu. Đến khi yêu cầu được tiếp nhận, giải quyết đúng cơ quan có thẩm quyền thì quyền lợi của họ đã bị ảnh hưởng, họ không chấp nhận sự thật và cho rằng pháp luật không công bằng, cán bộ bao che cho nhau nên đã phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến trật tự quản lý xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân.

Tiếp dân là nhiệm vụ, phân công người tiếp công dân là nghệ thuật, người tiếp dân là chuyên gia. Bởi khi người dân đến cơ quan nhà nước họ đã có cảm giác lo lắng, đôi khi rất khó khăn để trình bày câu chuyện của mình một cách logich đúng trình tự hoặc họ không thể xác định yêu cầu của mình một cách chính xác. Chính vì thế cán bộ tiếp dân phải thấu hiểu, cảm thông cho những trường hợp này, mở lòng tiếp nhận để họ có thể thỏa mái, bớt cảm giác lo lắng và cảm thấy được chia sẽ; từ đó họ có thể chia sẽ thông tin một cách chính xác, đầy đủ hơn. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào cán bộ tiếp dân, đòi hỏi phải có những kỹ năng, kinh nghiệm trong giao tiếp cũng như xử lý tình huống và quan trọng nhất họ phải thấu hiểu và đồng cảm với người dân dù chỉ là sự quan tâm nhỏ nhất. Khi đã có sự đồng cảm thì việc xác định yêu cầu của người dân phải được thực hiện đảm bảo, phải xác định tính cấp thiết của yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đảm bảo thời hiệu, thời hạn cũng như thẩm quyền giải quyết giúp người dân thực hiện quyền của mình đúng quy định của pháp luật.

Có thể khẳng định, để vấn đề tiếp công dân được đảm bảo, tạo niềm tin cho người dân vào chế độ, vào cơ quan nhà nước thì việc cải cách chế độ công vụ cần phải thực hiện tốt, đó là xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đúng với tinh thần của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030”.

Nhật Nam

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 578

Tổng số lượt xem: 1950366

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang