Skip to Content
SỞ TƯ PHÁP

TỈNH QUẢNG NGÃI

HỘI LÀNG QUÊ NGOẠI

21/02/2023 07:54    114

Từ bao đời nay câu ca “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy...” đã in đậm trong tâm trí mỗi người dân trong vùng và cả nước, bởi nó mang một đặc điểm riêng biệt độc đáo. Đất nước ta rất nhiều làng có hội bơi chải nhưng phần lớn thuần túy là trò đua tài, giải trí, còn ở hội Đăm, bơi chải là phát huy bản sắc thuần phong mỹ tục của tổ tiên, bắt buộc phải có, mô phỏng cách đánh giặc bằng thủy quân của danh tướng Bạch Hạc Tam Giang Đào Trường từ thời Hùng Duệ Vương thứ 16. Hội làng diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/3 âm lịch hàng năm trên khúc sông Nhuệ cũ, nơi Đức Thánh hóa thân, đoạn từ Thủy tọa cạnh Đình Đăm đến Miếu thờ Đức Thánh. Thuyền bơi có kích thước dài 14m7, đầu và đuôi thon kiểu con thoi, giữa rộng 1,5m, mỗi thuyền có 13 khoang nhân đôi chỗ ngồi cho 18 trai bơi, và có 5 người đứng: Đô (thuyền trưởng), Lạng (chống đỡ), Cờ (phất tiến), Mõ (nhịp điệu) và Lái (điều khiển). Cuộc thi được cả ba thôn đoàn kết thống nhất, nhiệt liệt tham dự. Làng Đăm tức xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội có 3 thôn. Thuyền mỗi thôn có biểu tượng riêng và trai bơi mang sắc phục khác nhau. Hai thuyền thôn Thượng hình đầu Bạch Hạc, áo trai bơi màu đỏ tía. Hai thuyền thôn Trung hình đầu Rồng, trai bơi có áo màu vàng. Hai thuyền thôn Hạ hình đầu Ly, trai bơi có áo màu xanh. Cuộc thi được tiến hành 3 đợt: Bơi trình Thánh, sau đó bơi dạo để luyện tay chèo cho đều, bền bỉ dai sức và bơi thi. Có một thuyền quan dài 6m, rộng 4m làm chức năng trọng tài và chỉ huy. Trong âm thanh nhất loạt: Lạng rập, thanh la ra lệnh, mõ nhịp và tiếng hô bơi trầm hùng, cờ phất tiến các thuyền rẽ sóng lao đi trong thế tiến công giữa sự cổ vũ náo nhiệt của hàng vạn công chúng hai bên bờ sông.

Lễ hội được khai mạc từ 7h30 đến 11h30 ngày 9/3 âm lịch tại Miếu và Đình thôn Hạ, rước Thánh từ Miếu xuống, rước vọng từ Đình thôn Hạ lên Đình chợ Đăm mở hội. Buổi chiều từ 14h đến 16h30: Bơi trình Thánh theo đội hình hai, ba, sáu. Ngay sau giờ khai mạc lễ hội có thả chim bồ câu, tổ chức thi đấu chọi gà và đánh cờ người chào mừng, tối có biểu diễn văn nghệ. Ngày hôm sau, từ 8h đến 9h bơi dạo, từ 9h đến 11h bơi thi theo bảng A thuyền 1-2-3, bảng B thuyền 4-5-6 để chọn nhất, nhì, ba của mỗi bảng, 3 lượt. Buổi chiều bơi thi tranh giải đơn chiếc giữa hai bảng để chọn nhất, nhì, ba của toàn cuộc, 3 lượt. Ngày cuối cùng, ngày 11/3 âm lịch, buổi sáng từ 8h – 9h bơi dạo theo đội hình 2-3-6 một vòng. Từ 9h – 11h, cả 6 thuyền bơi thi tranh giải đồng đội nhất, nhì, ba, 3 lượt. Buổi chiều, từ 14h30, rước vọng Thánh xuống Đình thôn Hạ bằng đường bộ. Đội rước 1 chuẩn bị gông thuyền xong, đúng 17h: thuyền tự trôi ngược dòng rước Thánh hòa cung bằng đường thủy, từ Thủy tọa lên Miếu dã hội.

Làng Đăm xưa kia còn nổi tiếng với nghề trồng rau, có lò đánh vật rất tài tình trong khu vực và đất nước. Chẳng vì thế mà có câu ca:

“Làng Đăm có hội bơi thuyền; Có lò đánh vật, có miền trồng rau”.

Về Tây Tựu những năm trước đây bạt ngàn cánh đồng rau xanh, hay mùa dưa lê trái to thơm ngọt vào dịp mùa hè, là vùng đất trồng rau nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội để cung cấp cho nội thành, các vùng lân cận và chế biến xuất khẩu như rau cải, rau muống, bắp cải, su hào, cà chua, đậu cô ve, khoai tây... mùa nào thức ấy. Những năm gần đây, nhân dân Tây Tựu trồng rau thưa thớt mà họ tập trung vào trồng hoa. Nào là hồng nhung, cúc Đà Lạt, lay ơn... bạt ngàn trên trời, dưới hoa. Cuộc sống của làng đã thay da đổi thịt, đường làng ngõ xóm bê tông sạch đẹp, nhà cao tầng mọc lên nhiều, sáng sủa, xe máy đời mới bóng loáng cũng bắt đầu từ hoa...

Tôi đi xa nơi mình được sinh ra đã khá nhiều năm, khi trở lại đúng vào dịp Nhà nước công nhận Đình Miếu làng Đăm là di tích lịch sử văn hóa (1994). Xã tổ chức đón nhận rất long trọng và đã được các cấp đầu tư, trùng tu sửa sang lộng lẫy. Hội làng đã bắt đầu mở lại từ mùa xuân năm Đinh Sửu với khách thập phương về dự hội. Dân trong làng vui vẻ tổ chức ôn lại truyền thống của tổ tiên ông cha. Tôi cũng may thay có mặt trong dịp hội này, Chủ tịch xã là trưởng ban lễ hội, anh học trước tôi một lớp nâng cốc bia chúc mừng, hẹn tiếp tôi vào một ngày khác. Anh tất bật trong sự nhộn nhịp bởi hết đoàn này, đoàn nọ... Nhưng nét mặt rất tự hào.

Trước đây huyện Từ Liêm đã góp phần tách ra hai quận Cầu Giấy và Tây Hồ. Nay lại thành lập hai quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm vì sự phát triển nhanh chóng. Đường làng ngõ xóm xưa thành phố phường mới. Suốt tuổi thơ tôi gắn bó với vùng đất ven đô này, với những vui buồn của những năm sơ tán, những năm đói nghèo với rau là rau. Cũng từ mảnh đất làng Đăm văn hiến này, tôi hoàn thành cậu tú trong bạt ngàn rau xanh rẻ chưa từng có của những năm đầu thập kỷ 80. Xuân Qúy Mão này là tròn 40 năm ngày tôi cắt khẩu chia xa quê ngoại gửi lại cái tuổi mười tám đầy ước mơ hoài bão của một trai quê sặc mùi phân trâu phân bò bùn đất với nhiều kỷ niệm đẹp. Mùa xuân lại đến, mùa của các lễ hội lại bắt đầu và lễ hội làng Đăm quê ngoại tôi là như thế.

Bút ký của Minh Xuân

Visitor Statistic

Currently Online: 1169

Total Visit: 2008532

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi | Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Tôn Long Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 815477 - Fax: 055 825447

Địa chỉ: 108 Phan Đình Phùng - Thành phố Quảng Ngãi.

Chung nhan Tin Nhiem Mang